Sở Kế hoạch và Đầu tư

https://sokhdt.laichau.gov.vn


Kinh tế tập thể mới chỉ đóng góp 5% GDP của đất nước

(Chinhphu.vn) - “Thực tiễn vừa qua cho thấy không chỉ giúp dân thoát nghèo mà HTX còn giúp các thành viên làm giàu”, theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Thành Chung

Sáng 7/7 tại Thành phố Đà Lạt, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển kinh tế tập thể đã chủ trì Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012 trong lĩnh vực nông nghiệp vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Hội nghị do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức và là Hội nghị sơ kết cuối cùng theo vùng lãnh thổ để chuẩn bị cho Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết Luật do Thủ tướng Chính phủ chủ trì sẽ diễn ra sau 2 tháng nữa.

Về tình hình chung, tới nay duyên hải Nam Trung Bộ có 1 liên hiệp và 624 HTX nông nghiệp kiểu mới, trung bình mỗi tỉnh thành lập thêm 4 HTX trong 5 năm qua, thấp hơn nhiều so với bình quân cả nước. Còn ở Tây Nguyên có 2 liên hiệp và 155 HTX kiểu mới, bình quân mỗi tỉnh có khoảng 7 HTX thành lập mới sau khi Luật HTX năm 2012 có hiệu lực.

Vốn hoạt động bình quân của mỗi HTX ở 2 khu vực này là 2,1 tỷ đồng, cao hơn bình quân cả nước (1,1 tỷ đồng). Tuy nhiên, vì tỉ lệ liên kết HTX với doanh nghiệp thấp, chỉ 16,5% số HTX có liên kết nên giá bán các sản phẩm chỉ bằng 2/3 so với giá cả thực tế.

Khái quát về tổ chức hoạt động của các HTX, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, các HTX ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ có quy mô sản xuất nhỏ nhưng số lượng xã viên rất đông, bình quân 800 thành viên/HTX, còn ở vùng Tây Nguyên thì tổ chức phù hợp hơn khi mỗi HTX có ít xã viên nhưng quy mô hoạt động rất lớn, cung cấp cả dịch vụ đầu vào, đầu ra và tổ chức sản xuất nông nghiệp trên diện tích lớn.

Tại hội nghị, lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong vùng và Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị của các HTX nhận thấy rằng HTX kiểu mới coi trọng tự nguyện liên kết của các hộ gia đình sẽ mở ra hướng sản xuất bền vững, gắn sản xuất với tiêu dùng. Thực tế, nhiều mô hình HTX kiểu mới như Hoa Mặt Trời, Tân Tiến... ở Lâm Đồng mà Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đi thăm hôm qua đã gặt hái thành công từ hàng chục năm nay.

Giám đốc các HTX trong vùng cũng cho rằng còn nhiều dư địa để cho các HTX đang hoạt động thành công này gặt hái được nhiều thành công hơn nữa khi tháo gỡ các chính sách về tín dụng, đất đai, thu hút nguồn nhân lực, đào tạo trình độ quản lý, quản trị cho cán bộ HTX, củng cố và kiện toàn lại chức năng, nhiệm vụ về quản lý nhà nước về HTX của các cơ quan nhà nước...

Đặc biệt, đại diện các HTX cũng bày tỏ vui mừng khi sắp tới, Chính phủ sẽ ban hành một bộ chính sách hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, cho phép HTX được vay tín chấp bằng phương án kinh doanh hiệu quả, thế chấp tài sản nhà kính, nhà lưới để vay vốn ngân hàng tái đầu tư cho sản xuất, kinh doanh và tham gia vay vốn ưu đãi để đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT hay Bộ KH&CN.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: VGP/Thành Chung

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, HTX kiểu mới có vai trò quan trọng trong tổ chức lại sản xuất hàng hoá, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nhưng nhiều năm qua, mô hình này chưa phát huy hiệu quả trong nền kinh tế thị trường. Vai trò lớn, nhưng hiện nay các loại hình HTX trong mọi lĩnh vực chỉ đóng góp 5% vào tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Tại khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên - nơi có nhiều điều kiện tự nhiên phát triển nông nghiệp, Phó Thủ tướng cho rằng số lượng HTX còn rất ít mặc dù có nhiều mô hình tốt, lại phân bổ không đồng đều, chủ yếu ở Lâm Đồng, Đắk Lắk, Quảng Ngãi. “Qua việc tới tận nơi các HTX như Hoa Mặt Trời, Tân Tiến... thấy hoạt động của HTX rất chuyên nghiệp, hiện đại. Thực tiễn này cho thấy HTX không chỉ giúp người dân thoát nghèo mà còn giúp lãnh đạo HTX và các thành viên làm giàu ngay trên quê hương mình”, Phó Thủ tướng nói.

Bài học để chính sách phát triển HTX đi vào cuộc sống, theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị, một việc duy nhất là Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh phải chỉ đạo quyết liệt thực hiện ở cơ sở. Theo đó, tăng cường truyền thông, tuyên truyền cho xã hội và cả cán bộ quản lý Nhà nước về ý nghĩa của kinh tế tập thể mà trọng tâm là HTX kiểu mới, coi đây là giải pháp của mọi giải pháp phát triển HTX.

Phó Thủ tướng cho rằng kinh tế tập thể là phương thức sản xuất tất yếu trong nền kinh tế thị trường còn “bất đối xứng” của Việt Nam. “Thị trường vật tư đầu vào ít người bán mà nhiều người mua nên bị ép giá, còn thị trường đầu ra nhiều người bán mà ít người mua và thua thiệt lại đổ lên đầu người nông dân. Do đó, cần để người dân thấy được liên kết tự nguyện giữa các hộ nông dân, giữa các hộ sản xuất với doanh nghiệp và thị trường. Đó là quy luật có tính tất yếu cần được truyền thông, phổ biến sâu rộng tới các đối tượng”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.

Trưởng Ban chỉ đạo cũng giao các bộ, ngành tập trung tháo gỡ ngay khó khăn cho hoạt động HTX như hoàn thành việc đăng ký chuyển đổi, giải quyết thủ tục giải thể, phá sản các HTX đã ngừng hoạt động để tạo điều kiện ra đời các HTX kiểu mới... Sửa đổi các văn bản pháp luật để tạo điều kiện về vốn, đất đai (trụ sở, đất sản xuất), tín dụng cho các HTX hoạt động...

Các địa phương quan tâm bố trí ngân sách để xây dựng Quỹ phát triển kinh tế tập thể ở địa phương khi Phó Thủ tướng cho rằng nợ xấu trong sản xuất nông nghiệp và giảm nghèo là rất thấp, đầu tư cho kinh tế tập thể chỉ có lãi không có lỗ.

Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước về HTX của các địa phương trong vùng tích cực tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền ban hành các chính sách cụ thể, sát thực tế để phát triển kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn.

Tác giả: Thành Chung

Nguồn tin: www.chinhphu.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down