Sở Kế hoạch và Đầu tư

https://sokhdt.laichau.gov.vn


Cây chè - cây xóa đói giảm nghèo ở Lai Châu

(laichau.gov.vn) Xác định cây chè là một trong những cây trồng chủ lực trong xóa đói giảm nghèo cho bà con nông dân trong tỉnh, Ngành Nông nghiệp tỉnh Lai Châu đã triển khai có hiệu quả Đề án phát triển vùng chè tập trung chất lượng cao giai đoạn 2015-2020. 
Các đại lý thu mua chè búp tươi của người dân

Theo cơ quan chuyên môn, Đề án phát triển vùng chè tập trung chất lượng cao giai đoạn 2015-2020 của tỉnh Lai Châu nhằm hướng đến mục tiêu mở rộng diện tích và nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh ngành chè của tỉnh theo hướng khai thác tiềm năng, thế mạnh, nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho người dân, góp phần quan trọng vào việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Để triển khai có hiệu quả Đề án, tỉnh Lai Châu đã khuyến khích nông dân đầu tư thâm canh diện tích chè kinh doanh bằng các biện pháp như áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp (GAP) nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế; cải tạo diện tích chè hoang hóa, chè già cỗi còn đảm bảo mật độ bằng các biện pháp đốn tạo tán, đốn đau, làm sạch cỏ dại, đầu tư phân bón để tái tạo năng suất cây chè. Đồng thời, tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp chế biến chè thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh; mở rộng diện tích trồng mới, trồng tái canh; xây dựng mô hình thâm canh cao, áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, kết hợp với hệ thống tưới, tạo sản phẩm chè vụ đông; sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, nhằm tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao. Tỉnh cũng sẽ hỗ trợ đầu tư 63 km đường sản xuất trên diện tích chè trồng mới, diện tích chè thâm canh nhưng chưa có đường giao thông, trong đó huyện Tân Uyên 38km, Tam Đường 20km, Than Uyên 5km. Hình thành các vùng nguyên liệu chè tập trung, chất lượng cao với các giống chủ lực như Tuyết Shan và Kim Tuyên tại địa bàn thành phố Lai Châu và các huyện: Tam Đường, Tân Uyên, Than Uyên, gắn với đổi mới công nghệ chế biến và mẫu mã sản phẩm, xây dựng thương hiệu chè phẩm cấp cao.

Với lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp trong việc trồng và phát triển cây chè, nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, bà con nông dân trong tỉnh đã biết đầu tư phân bón, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh, trồng mới, trồng lại và cải tạo những đồi chè năng suất thấp, thay thế bằng giống mới có năng suất chất lượng cao như LDP1, LDP2, Kim tuyên, Tuyết Shan… để mở rộng diện tích và tạo nguồn nguyên liệu cho sản xuất chè chất lượng cao, đem lại thu nhập ổn định. Tính đến hết tháng 10/2017  toàn tỉnh trồng mới ước đạt 904 ha, vượt kế hoạch 274 ha, tăng 295 ha so với năm 2016, nâng tổng diện tích chè toàn tỉnh đạt 5.005 ha; sản lượng chè búp tươi ước đạt 26.000 tấn, tăng 2.330 tấn so với cùng kỳ năm trước. Hiện toàn tỉnh có trên 3.700 ha chè kinh doanh, cho sản lượng chè búp tươi có chất lượng, chế biến các loại chè thành phẩm với giá thành cao. Với giá thành như hiện nay, 1kg chè búp tươi có giá từ 3-8.000/kg, tùy từng thời điểm thì trung bình 1ha chè cho sản lượng 7-9 tấn/ ha chè búp tươi, đem lại thu nhập cho người nông dân khoảng 20-35 triệu đồng/1ha, trừ các khoản chi phí, bà con nông dân thu lãi từ 80-120 triệu đồng/ha/năm. Như vậy cây chè đã góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, cải thiện điều kiện sống cho người dân trong vùng.

Cùng với đó, các Công ty cổ phần chè cũng đã đầu tư hỗ trợ giống mới cho các hộ dân có quy mô từ 1.000m trở lên và hỗ trợ phân bón trả chậm cho người dân để đầu tư thâm canh, mở rộng diện tích chè, nâng cao chất lượng sản phẩm, giữ vững và mở rộng thị trường tiêu thụ. Từng bước phát triển cây chè trở thành sản phẩm hàng hoá trong sản xuất nông nghiệp, tạo vùng sản xuất tập trung, thực hiện chuyển đổi tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn. Đồng thời, tuyên truyền vận động người dân khai thác những vùng đất cằn xấu, đất trồng kém hiệu quả kinh tế chuyển sang trồng chè nhằm mở rộng vùng nguyên liệu.

Nếu đến các vùng chè đội 6 của xã Phúc Khoa hay vùng chè của thị trấn Tân Uyên – huyện Tân Uyên mới thấy rõ được hiệu quả kinh tế từ cây chè đem lại cho người dân nơi đây. Trước đây người dân sử dụng giống chè cũ để trồng do vậy năng suất đạt thấp, sau khi được tham quan nhiều hộ dân trồng chè từ các vùng lân cận, thấy rõ lợi ích mà cây chè mang lại, người dân trồng chè trên địa bàn huyện cũng đã biết áp dụng các kỹ thuật vào thâm canh, cải tạo đất, nhờ đó năng suất chè trên địa bàn huyện tăng. Điển hình như gia đình ông Phạm Tiến Lâm tổ dân phố số 1 Thị trấn Tân Uyên. Theo lời ông Lâm, trước đây cuộc sống gia đình ông rất khó khăn, nhưng từ năm 2001 ông đã mạnh dạn vay mượn vốn để đầu tư phát triển giống chè Shan tuyết với diện tích 9ha, mỗi năm cho sản lượng 130 tấn. "Ngoài trồng và chăm sóc chè gia đình tôi còn làm đại lý thu mua chè búp tươi cho Công ty chè. Trừ chi phí, công chăm sóc thì mỗi năm gia đình tôi thu nhập 250-400 triệu đồng" - Ông Phạm Tiến Lâm cho biết.

Không chỉ gia đình ông Lâm mà rất nhiều hộ gia đình khác trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã xóa đói giảm nghèo, trở thành hộ có kinh tế khá từ cây chè… Với kết quả bước đầu khả quan, Đề án phát triển vùng chè tập trung chất lượng cao giai đoạn 2015-2020 trên địa bàn tỉnh đã góp phần quan trọng vào giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động tại địa phương, nâng cao đời sống vật chất cho người dân. Cây chè trở thành cây xóa đói giảm nghèo của tỉnh, có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, làm thay đổi nhận thức của người dân từ sản xuất nhỏ lẻ manh mún sang sản xuất theo hương hàng hoá, mang lại giá trị kinh tế cao./.

 

Tác giả: Nguyễn Nga

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down