Sở Kế hoạch và Đầu tư

https://sokhdt.laichau.gov.vn


Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp

(laichau.gov.vn)  Sáng nay (15/9), Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị.

Dự Hội nghị tại điểm cầu Chính phủ còn có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành trung ương và các đơn vị có liên quan.

Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lai Châu có đồng chí Trần Tiến Dũng – Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành tỉnh và các đơn vị có liên quan.

Trong thời gian qua, trước tình hình quốc tế và kinh tế - xã hội trong nước có nhiều thuận lợi và khó khăn đan xen, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, coi trọng việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cải thiện môi trường kinh doanh gắn với xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số quốc gia góp phần quan trọng trong công cuộc đổi mới đất nước, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Để hiện thực hóa Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành và chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện có hiệu quả các chương trình, chiến lược quan trọng quốc gia về cải cách TTHC và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành. 

Từ năm 2021 đến nay, cả nước đã cắt giảm, đơn giản hóa 1.758 quy định kinh doanh tại 143 văn bản quy phạm pháp luật. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 1.107 quy định của 9 bộ, cơ quan. Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh được đưa vào vận hành, đến nay, đã cập nhật 17.687 quy định hiện hành, 352 quy định dự kiến ban hành trong 9 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và phương án cắt giảm, đơn giản hóa 1.029 quy định kinh doanh để tham vấn các hiệp hội, doanh nghiệp, người dân và theo dõi quá trình thực thi các phương án cải cách.

Văn phòng Chính phủ đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án phân cấp thẩm quyền giải quyết 699/5.187 TTHC trên 100 lĩnh vực. Cả nước cũng đã thành lập tổng số 11.700 Bộ phận Một cửa các cấp để tiếp nhận, giải quyết TTHC, trong đó có 56 Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh được thành lập, 1 địa phương thành lập bộ phận một cửa tập trung, 6 địa phương vẫn duy trì mô hình Bộ phận Một cửa tại các sở, ban, ngành cấp tỉnh. Tổng số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các bộ, cơ quan, địa phương là 6.522 TTHC. Số TTHC đưa ra thực hiện tại Bộ phận Một cửa các cấp đạt trung bình 96,9 %.

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Lai Châu. 

Đến nay, đã có 53/63 địa phương thực hiện hợp nhất Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh. Cổng Dịch vụ công quốc gia được khai trương và đưa vào vận hành từ tháng 12 năm 2019, đến nay đã cung cấp 3.805 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; đã có hơn 2.8 triệu tài khoản đăng ký (tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2021); đã có hơn 720 triệu truy cập tìm hiểu thông tin, dịch vụ (tăng hơn 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2021); hơn 129,6 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái (tăng hơn 1,8 lần so với cùng kỳ năm 2021); hơn 4,78 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng (tăng hơn 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2021); hơn 2,6 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 2,78 nghìn tỷ đồng (tăng hơn 16 lần so với cùng kỳ năm 2021); đã tiếp nhận, xử lý hơn 189 nghìn cuộc gọi tới tổng đài và hơn 46 nghìn phản ánh, kiến nghị. 

Các nền tảng, hệ thống thông tin quan trọng Chính phủ điện tử phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục được vận hành, phát triển góp phần đổi mới mạnh mẽ phương thức làm việc, chuyển đổi số trong nội khối cơ quan hành chính Nhà nước và phục vụ chỉ đạo, điều hành.

8 tháng đầu năm 2022, số lượng văn bản điện tử gửi, nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia là trên 3,56 triệu văn bản. Tính đến nay đã có hơn 14,2 triệu văn bản điện tử gửi, nhận trên Trục liên thông, trung bình có khoảng 550.000 văn bản/tháng. Theo số liệu cung cấp của các bộ, ngành, địa phương 98% các đơn vị đã thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử 4 cấp hành chính. 90% các cơ quan đã xử lý công việc trên môi trường điện tử, 70% lãnh đạo các cấp đã sử dụng chữ ký số cá nhân trong gửi, nhận văn bản điện tử và xử lý công việc trên môi trường điện tử.

Đối với tỉnh Lai Châu, tính đến ngày 23 tháng 8 năm 2022, kết quả thực hiện tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia như sau: Tổng TTHC của tỉnh là 1.947 thủ tục; số lượng Dịch vụ công tích hợp lên Cổng DVC Quốc gia là 896 thủ tục; thực hiện chứng thực bản sao điện tử từ bản chính năm 2022 được 3.685 bản, hoàn thành 3.532 bản, tỷ lệ đạt 95,85%... Tỷ lệ hồ sơ xử lý đúng hạn, trong hạn (năm 2021) đạt 94,65%; 8 tháng đầu năm tính đến 23/8/2022 đạt 91,28%.  

Tham luận tại Hội nghị các đại biểu tập trung vào các giải pháp, kinh nghiệm trong đẩy mạnh cải cách hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp tại một số bộ, ngành, địa phương, đơn vị…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận Hội nghị.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Chính phủ xác định cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục đổi mới tư duy, cách chỉ đạo điều hành mạnh mẽ hơn nữa trong cải cách hành chính; phát huy tính chủ động sáng tạo, huy động mọi nguồn lực cho cải cách hành chính lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, động lực, lấy sự hài lòng của người dân đánh giá hiệu quả thực hiện cải cách thủ tục hành chính. Hiện đại hóa công tác chỉ điều hành, bám sát thực tiễn, khó khăn, vướng mắc của người dân để chỉ đạo điều hành cho phù hợp, hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, giảm khâu trung gian trong giải quyết các thủ tục hành chính nội bộ; thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính nâng cao vai trò của người đứng đầu trong cơ quan, đơn vị; đẩy mạnh xây dựng hệ thống thông tin, sử dụng dữ liệu thông tin chia sẻ dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp. Hỗ trợ thủ tục hành chính tại bộ phận 1 cửa ở vùng sâu, vùng xa biên giới hải đảo; tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong sử dụng các dịch vụ công trực tuyến; đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu; thực hiện ký số, tích hợp chia sẻ dữ liệu thông tin giữa các bộ, ngành, địa phương… 

Nguồn: Nguyễn Nga/laichau.gov.vn/
Cập nhật 13h58' ngày 15/9/2022

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down