Kế hoạch hành động thực hiện 3 nội dung chính: Thực hiện chương trình hỗ trợ máy nông nghiệp đáp ứng đầy đủ yêu cầu chất lượng cho người nông dân; khuyến khích các nhà sản xuất máy móc nông nghiệp cung cấp các loại máy nông nghiệp phục vụ canh tác sản xuất lúa gạo dựa theo nhu cầu của nông dân; xây dựng các quy định nhằm tạo môi trường kinh doanh máy nông nghiệp lành mạnh.
Thúc đẩy cơ giới hóa nông nghiệp từng địa phương
Để thực hiện chương trình hỗ trợ máy nông nghiệp đáp ứng đầy đủ yêu cầu chất lượng cho người nông dân, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì xây dựng định hướng cơ bản của nhà nước nhằm thúc đẩy cơ giới hóa nông nghiệp cho từng địa phương. Trên cơ sở định hướng cơ bản của nhà nước, khả năng nguồn vốn và đặc điểm của địa phương, chính quyền các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch hành động thúc đẩy cơ giới hóa phục vụ nông nghiệp tại địa phương. Nhà nước sẽ xem xét, hỗ trợ một phần ngân sách cần thiết để triển khai kế hoạch của các địa phương đã được phê duyệt.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến khích các nhà sản xuất máy móc nông nghiệp phục vụ canh tác sản xuất lúa gạo tại Việt Nam cung cấp máy nông nghiệp theo nhu cầu của người nông dân. Cùng với đó, Bộ Tài chính sẽ bổ sung, hoàn thiện chế độ thuế để các nhà máy lắp ráp máy móc nông nghiệp có thể thu mua được một phần các linh kiện chế tạo nội địa.
Tạo môi trường kinh doanh máy nông nghiệp lành mạnh
Đồng thời, để xây dựng các quy định nhằm tạo môi trường kinh doanh máy nông nghiệp lành mạnh, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện nâng cao năng lực (trang thiết bị và đào tạo) các phòng thử nghiệm, trung tâm kiểm định máy nông nghiệp,....
Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030” đã được phê duyệt tại Quyết định số 1043/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Chiến lược, 6 ngành công nghiệp được ưu tiên phát triển gồm: Điện tử, máy nông nghiệp; chế biến nông, thủy sản; đóng tàu; môi trường và tiết kiệm năng lượng; và sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô thành những ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế, có giá trị gia tăng cao và năng lực cạnh tranh quốc tế.
Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 sẽ đóng góp vào thực hiện chính sách phát triển công nghiệp tổng thể của Việt Nam, tập trung vào phát triển 6 ngành công nghiệp ưu tiên đã chọn trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế so sánh của Việt Nam và sử dụng hiệu quả để tạo ra những ngành công nghiệp có năng lực cạnh tranh quốc tế.
Đồng thời, chiến lược góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa đến năm 2020 của Việt Nam. Các ngành được lựa chọn phù hợp với định hướng phát triển của các ngành công nghiệp chung của Việt Nam và đóng góp lớn vào tạo cú huých cho phát triển của các ngành công nghiệp khác trong quá trình công nghiệp hóa đến năm 2020. Chiến lược đóng góp trực tiếp vào quá trình tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế...
Tác giả: Phương Nhi
Nguồn tin: www.chinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc