Các lĩnh vực mà Lai Châu có nhiều lợi thế so sánh để phát triển
Nông lâm ngư nghiệp: là tỉnh có diện tích tự nhiên rộng (906.878,7 ha), đất đai có độ phì nhiêu khá, khí hậu đa dạng, mật độ sông suối khá dầy (đạt 5-5,6km/km2), hơn 16.000 ha diện tích mặt nước hồ thủy điện,… có thể nói, Lai Châu có lợi thế lớn để phát triển nông lâm thủy sản, nhất là ngành trồng rừng, chăn nuôi gia súc, trồng rau hoa quả ôn đới, dược liệu, nuôi trồng thủy sản,...
Du lịch: Là địa bàn có 20 dân tộc anh em cùng sinh sống, với nhiều lễ hội văn hóa độc đáo như: Kin-Khẩu Lẩu mẩu, Nàng Han, Xòe Chiêng... có khí hậu mát mẻ, nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, hùng vĩ (như động Tiên Sơn, PuSamCap,…), gần với Sa Pa, Điện Biên Phủ, và các địa danh gắn liền với lịch sử Nhà văn hóa bản Lướt (Than Uyên), miếu Nàng Han, dinh thự Đèo Văn Long, bia Lê Lợi (Nậm Nhùn); có lưu vực sông suối lớn được hình thành từ công trình thủy điện Lai Châu, Sơn La, Huội Quảng,… nên Lai Châu có lợi thế lớn để phát triển loại hình du lịch văn hóa, cộng đồng, sinh thái nghỉ dưỡng, mạo hiểm gắn với nghiên cứu địa chất,…
Thương mại – dịch vụ: Là tỉnh có tới 265,095 km đường biên giới với Trung Quốc, có cửa khẩu Ma Lù Thàng, lối mở U Ma Tu Khoòng,… và nhiều hoạt động quan hệ đối ngoại giữa Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục phát triển,… tạo cơ hội lớn cho Lai Châu phát triển thương mại dịch vụ, kinh tế biên mậu, tăng cường hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, phát triển kinh tế biên mậu, tăng nguồn thu cho NSNN.
Phát triển thủy điện: Lai Châu là tỉnh miền núi, có địa hình cao và dốc, nguồn sinh thủy dồi dào (lượng mưa bình quân đạt 2.500-2.700mm/năm),… do đó Lai Châu được xem là tỉnh có lợi thế lớn phát triển thủy điện vừa và nhỏ, tạo nguồn điện phục vụ sản xuất và đời sống; đồng thời, giữ vai trò quan trọng trong cung cấp nguồn nước cho thủy điện Lai Châu, vùng châu thổ Sông Hồng thúc đẩy phát triển KTXH của cả nước.
Kiên trì quảng bá, giới thiệu tiềm năng lợi thế của Lai Châu tới doanh nghiệp
Để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, Lai Châu đã kiên trì quảng bá hình ảnh con người, miền đất và lợi thế của mình trên sách, báo, đài, tạp chí,... để cung cấp cho nhà đầu tư, doanh nghiệp; ưu tiên kêu gọi các doanh nghiệp quan tâm đầu tư vào các dự án sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, dịch vụ thương mại, du lịch sinh thái, cộng đồng,… trên địa bàn toàn tỉnh.
Hoạt động vận tải hàng hóa tại cửa khẩu Ma Lù Thàng - tỉnh Lai Châu
Bên cạnh đó, tỉnh cũng tăng cường tuyên truyền, giới thiệu Quy hoạch/kế hoạch phát triển KTXH, tiềm năng lợi thế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, dự án mời gọi đầu tư,… của Tỉnh tại hội nghị, diễn đàn xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, lễ hội văn hóa thể thao,… và đặc biệt, việc tổ chức Hội nghị Xúc tiến Đầu tư và Quảng bá du lịch tỉnh Lai Châu năm 2016, Ngày hội văn hóa các dân tộc tỉnh Lai Châu năm 2017,… đã tạo ấn tượng rất sâu sắc, có tính lan tỏa lớn trong lòng du khách, giúp hình ảnh, miền đất, con người Lai Châu được bạn bè trong và ngoài nước biết đến nhiều hơn, góp phần thúc đẩy phát triển hoạt động du lịch, thu hút nhiều du khách đến vơi Lai Châu.
Ngoài tuyên truyền trực quan từ sự kiện, hội nghị, Lai Châu cũng rất coi trọng tuyên truyền hình ảnh, tiềm năng, lợi thế trên sách, báo, đài, cổng thông tin điện tử/trang thông tin điện tử của tỉnh và sở/ngành/địa phương. Đăng tải đầy đủ, kịp thời quy hoạch phát triển KTXH, quy hoạch ngành/lĩnh vực, chính sách ưu đãi đầu tư, dự án kêu gọi đầu tư,… thuộc các ngành mà Lai Châu có lợi thế phát triển như: nông – lâm – ngư nghiệp, du lịch, xuất nhập khẩu,… tại Cổng thông tin/trang thông tin điện tử tỉnh và các ngành kế hoạch và đầu tư, công thương,…tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong tìm hiểu thị trường, cơ hội đầu tư, thực hiện đầu tư kinh doanh, giúp tỉnh thu hút vốn phục vụ phát triển KTXH, tăng nguồn thu cho NSNN.
Và kết quả thu hút đầu tư đáng khích lệ
Với sự quyết tầm, nỗ lực của các cấp, các ngành của Lai Châu trong năm qua, đã giúp nhà đầu tư, doanh nghiệp nắm bắt được định hướng phát triển của địa phương, nhận biết được những ngành/lĩnh vực mà Lai Châu thực sự có lợi thế so sánh cho phát triển, có thể tận dụng, khai thác để đầu tư, sản xuất kinh doanh. Nhiều dự án thuộc lĩnh vực: công nghiệp thủy điện, sản xuất vật liệu xây dựng, thương mại - dịch vụ,… đã được cấp phép đầu tư, mang lại hiệu quả tích cực cho nhà đầu tư, góp phần tạo việc làm cho Nhân dân, thúc đẩy phát triển KTXH của địa phương.
Kết quả thu hút đầu tư: trong năm 2017, tỉnh Lai Châu đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 180 doanh nghiệp có vốn đăng ký đạt 2.961 tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh lên 1.292 doanh nghiệp có vốn đăng ký đạt 18.578 tỷ đồng, đăng ký hoạt động cho 34 chi nhánh và văn phòng đại diện của các doanh nghiệp. Đồng thời, cấp Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư cho 30 dự án đầu tư với số vốn đăng ký 4.206 tỷ đồng (bao gồm: 07 dự án về thủy điện, chiếm 23,3%; 07 dự án về chế biến, khai khoáng, sản xuất VLXD, chiếm 23,3%; 03 dự án về nông – lâm – thủy sản, chiếm 10%; 13 dự án về thương mại – dịch vụ, chiếm 43,3%). Lũy kế đến năm 2017, Lai Châu có 183 dự án với số vốn đăng ký hơn 100.814 tỷ đồng,…
Tác giả: Nguyễn Công Biên - Nguyễn Văn Quỳnh
Ý kiến bạn đọc