Sau hơn 10 năm chia tách và thành lập tỉnh Lai Châu đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đưa Lai Châu cơ bản thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, tạo đà phát triển mới cho giai đoạn tiếp theo. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng được cải thiện, hệ thống đô thị phát triển nhanh, xây dựng mới khang trang, hiện đại. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, hiệu quả và năng lực cạnh tranh sản phẩm từng bước được nâng cao; tốc độ thu ngân sách trên địa bàn tăng nhanh. Nông, lâm nghiệp phát triển tương đối bền vững, sản lượng lương thực tăng nhanh và vững chắc, đảm bảo an ninh lương thực. Đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, GDP bình quân đầu người năm 2014 đạt 16,67 triệu đồng, tăng 6,41 lần so với năm 2004.
Đạt được những kết quả tích cực trên, nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ như JICA, WB, OFID đã đóng góp một phần đáng kể. Đã có 52 công trình được đầu tư với tổng số vốn tài trợ 1.275 tỷ đồng, gồm 13 công trình đường giao thông; 21 công trình thủy lợi, kè nông nghiệp; 06 công trình cấp nước đô thị; 04 công trình cấp điện và các dự án lĩnh vực y tế, giáo dục, giảm nghèo… góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực và thực hiện mục tiêu của tỉnh đề ra.
Trong giai đoạn 2016-2020, Lai Châu tiếp tục thu hút, vận động nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi thực hiện các chương trình, dự án tập trung vào các lĩnh vực: giao thông, giảm nghèo, văn hóa du lịch… với tổng nhu cầu vốn khoảng 9.000 tỷ đồng góp phần thực hiện mục tiêu “Phát triển toàn diện, nhanh và bền vững, đưa Lai Châu thành tỉnh phát triển trung bình trong khu vực miền núi phía Bắc”.
Ý kiến bạn đọc