Theo đó, Thường trực Chính phủ đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc tổ chức triển khai lập quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Báo cáo Định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để trình Bộ Chính trị xem xét tại phiên họp tháng 4 năm 2022.
Để bảo đảm chất lượng, tiến độ trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định về Định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia, Thường trực Chính phủ yêu cầu Định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia cần xác định rõ quan điểm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, đảm bảo quyền toàn vẹn lãnh thổ và hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; ưu tiên phát triển nền kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; huy động tối đa nguồn lực bên trong là chiến lược, cơ bản, lâu dài, là quyết định (nguồn lực bên trong là con người, tự nhiên, truyền thống đoàn kết thống nhất, lịch sử văn hóa); thu hút nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phát (công nghệ, đào tạo chất lượng nguồn nhân lực, vốn đầu tư, kinh nghiệm quản trị quốc gia).
Cần rà soát kỹ để Định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật về quy hoạch, bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, và các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội; đồng thời bám sát nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 04/10/2020.
Cần nghiên cứu tiêu chí, mức độ thể hiện các nội dung trong Định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia một cách phù hợp, không quá chung chung, không quá chi tiết, cần vừa “động”, vừa “mở” và theo các quy định hiện hành. Trong đó, cần lưu ý bổ sung, làm rõ thêm một số nội dung chính như: Cần đánh giá khách quan, trung thực, toàn diện về công tác quy hoạch trong 10 năm qua của đất nước để làm rõ kết quả đạt được, khó khăn, tồn tại nguyên nhân và bài học kinh nghiệm.
Đánh giá, tìm ra tiềm năng, lợi thế, khó khăn, mâu thuẫn, thách thức, yếu kém của đất nước, của từng vùng và phân tích, đánh giá tình hình, xu thế của thế giới, khu vực trong giai đoạn tới, từ đó đề xuất định hướng phát triển quốc gia mang tính thời đại, phát triển xanh, chuyển đổi số, kết hợp giữa sức mạnh dân tộc và thời đại.
Cần phân tích rõ và đưa ra các chỉ tiêu phát triển cụ thể các lĩnh vực cho từng giai đoạn trong Định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia, như: tỷ lệ đô thị hóa, phát triển giao thông (giai đoạn nào, ưu tiên phát triển loại hình gì), phát triển và chuyển đổi năng lượng xanh theo cam kết tại công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).
Quy hoạch phải có các yếu tố đột phá, phát triển hài hòa giữa kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Quy hoạch phải tổng thể, liên thông; có tính kế thừa và phát triển; phát triển nhanh nhưng phải bền vững, hài hòa tổng thể trong khu vực, thế giới, phát huy tối đa thế mạnh, hạn chế tối thiểu yếu kém.
Về hồ sơ Định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia trình xin ý kiến Bộ Chính trị, bao gồm: Báo cáo tổng hợp bảo đảm đầy đủ nội dung theo quy định tại Điều 22 Luật Quy hoạch; Báo cáo tóm tắt và hệ thống bản đồ theo quy định của pháp luật về quy hoạch.
Tờ trình Bộ Chính trị là những định hướng lớn, quan trọng, cốt lõi. Trong đó, cần nghiên cứu, phân tích để xin ý kiến Bộ Chính trị về một số nội dung, như: việc phân vùng quy hoạch, các trục ưu tiên phát triển, tỷ lệ phát triển hệ thống đô thị, việc kết hợp phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh… Dự thảo Nghị quyết (Kết luận) của Ban chấp hành Trung ương.
Về tiến độ thực hiện, yêu cầu bám sát theo đúng chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương và trình Quốc hội xem xét, phê duyệt tại kỳ họp tháng 10 năm 2022. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến các bộ, ý kiến các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ Định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia theo quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, trước khi trình Bộ Chính trị.
Cùng ngày, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 100/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại cuộc họp về dự thảo Báo cáo kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành. Theo đó, sau khi nghe Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo, ý kiến của đại diện các bộ, cơ quan, Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục hoàn thiện Báo cáo đối với các nội dung theo đề nghị của Đoàn giám sát Quốc hội tại Văn bản số 109/ĐGS-KT ngày 30/3/2022, bảo đảm tiến độ theo yêu cầu.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến các Bộ tại cuộc họp, xây dựng Báo cáo bảo đảm phản ánh đầy đủ, khách quan, làm rõ được các tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong các quy định của Luật Quy hoạch, các quy định liên quan và công tác tổ chức thực hiện Luật Quy hoạch; báo cáo Thường trực Chính phủ dự kiến họp ngày 09/4/2022 để chuẩn bị cho cuộc làm việc giữa Ban Cán sự Đảng Chính phủ và Đảng đoàn Quốc hội./.
(Nguồn: Bảo Linh/www.mpi.gov.vn
Cập nhật: 09h23, ngày 07/4/2022)
Ý kiến bạn đọc