Những vẻ đẹp đắm lòng du khách
Nhắc đến Lai Châu, người ta nhớ ngay đến vùng đất có tiềm năng, lợi thế ở nhiều lĩnh vực. Riêng về du lịch, Lai Châu đang trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách bởi khí hậu trong lành, sự thân thiện, mến khách của người dân bản địa và hơn hết nơi đây sở hữu những cảnh quan nguyên sơ tuyệt vời, các di tích lịch sử và những đỉnh núi “chỉ nghe tên là muốn khám phá”.
Lai Châu có 20 dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc lại có những đặc trưng văn hóa, phong tục riêng độc đáo và là điểm đến đầy màu sắc như: Bản đồng bào Mông ở Sin Suối Hồ, bản Nà Luồng nơi có những cô gái dân tộc Lào duyên dáng hay bản Sì Thâu Chải nơi săn mây và ngắm bình minh mỗi buổi sớm, hòa mình vào cuộc sống vùng cao với đồng bào Dao.
Du khách săn mây trên đỉnh Pú Đao. (Ảnh: Xuân Lộc)
Ngoài ra, Lai Châu có những đỉnh núi cao nhất Việt Nam được khách phượt đặc biệt yêu thích như Putaleng, Phu Si Lung, Bạch Mộc Lương Tử, Tả Liên Sơn, Chung Nhía Vũ, Pú Đao hay Pờ Ma Lung… và 27 di tích lịch sử văn hóa, danh lam, thắng cảnh, di tích được xếp hạng. Lai Châu còn có một lợi thế khác là nằm giữa hai điểm du lịch nổi tiếng là Sa Pa (Lào Cai) và Điện Biên Phủ, đang triển khai dự án đường nối Lai Châu với cao tốc Hà Nội – Lào Cai… Đây là những lợi thế để ngành du lịch nói chung, du lịch cộng đồng nói riêng của tỉnh Lai Châu phát triển, thu hút du khách.
Du khách ưa trải nghiệm chụp ảnh trên đường lên Tả Liên Sơn. (Ảnh: Xuân Lộc)
Anh Nguyễn Ngọc Bình, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: Lúc đầu mình chỉ nghĩ đi cùng bạn 1 chuyến cho vui vì rất lâu rồi mình chưa rời Hà Nội do dịch bệnh Covid-19. Nhưng thật không ngờ chuyến đi lại cho mình cảm xúc ngoài cả mong đợi. Mình đi Sì Thâu Chải dựng lều ngắm hoàng hôn xuống và đón bình minh lên, buổi tối nhóm mình đốt lửa trại và tham gia sinh hoạt trong bản của đồng bào Dao. Thật thú vị! Mình cũng được thưởng thức món ăn của đồng bào Thái ở bản Vàng Pheo, ngắm nhìn các cô gái Thái múa vô cùng duyên dáng, đẹp mắt. Mình mong muốn Lai Châu sẽ phát huy những điểm đến như thế, những địa chỉ du lịch giàu bản sắc văn hóa dân tộc để khách du lịch biết tới nhiều hơn.
Gọi mùa xuân đến.
Tỉnh Lai Châu hiện có 16 khu, điểm là làng văn hóa du lịch đã được UBND tỉnh công nhận. Trong đó, bản Sin Suối Hồ được vinh danh là “Làng du lịch cộng đồng tiêu biểu năm 2019”. Trong thời gian các hoạt động du lịch bị ngừng trệ do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh phối hợp với các công ty, đơn vị du lịch tổ chức khảo sát tour, tuyến kết nối du lịch tại một số địa phương trên địa bàn để đánh giá thực trạng và lên kế hoạch xây dựng, quảng bá khi dịch được kiểm soát. Theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, những năm gần đây, du khách trong và ngoài nước yêu thích trải nghiệm thường tìm đến điểm du lịch cộng đồng ở các xã Sin Suối Hồ (Phong Thổ), Sì Thâu Chải (Tam Đường), thị trấn Than Uyên (Than Uyên)… Có thể nói, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ kết hợp với đời sống văn hóa phong phú và những món ăn độc lạ, đậm hương vị miền núi của đồng bào dân tộc thiểu số là những lợi thế riêng có để Lai Châu phát triển mô hình du lịch cộng đồng.
Tạo nguồn thu chính từ du lịch
Ở xã Sin Suối Hồ, anh Giàng A Chỉnh và Hảng A Xà được biết đến là những người tiên phong trong xây dựng dịch vụ “nhà nghỉ lưu trú homestay” và dịch vụ ăn uống. Năm 2018, nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch, anh trưởng bản Giàng A Chỉnh đã họp bản để bàn bạc, hướng dẫn, phân công các hộ trong bản xây dựng nhà nghỉ lưu trú, phục vụ ăn uống tại nhà của mình. Hiện nay, bản Sin Suối Hồ có 17 nhà hàng và homestay, 24 bungalows có thể phục vụ cho hơn 400 khách lưu trú và khoảng 500 khách ăn uống. Bà con dân bản đã chung ta xây dựng “bản 5 không” với tiêu chí: Không uống rượu, không hút thuốc, không xả rác sai nơi quy định, không có tệ nạn như trộm cắp, cờ bạc, người dân không đeo bám, chèo kéo du khách… Những chậu địa lan được trồng dọc theo các lối đi, vườn hoa cho du khách tham quan để tạo cảnh quan, không gian đẹp, xanh tại bản cũng mang lại nguồn thu lớn vào mỗi dịp Tết cho người dân trong bản. Nhờ đoàn kết, cùng nhau phát triển du lịch cộng đồng tại bản một cách bền vững mà ở bản Sin Suối Hồ, nhiều hộ thu nhập khá, giàu, trong đó điển hình như gia đình anh Chỉnh, anh Xà mỗi năm thu gần một tỷ đồng.
Bản Sin Suối Hồ có những chiếc cổng được trang trí rất đặc biệt khiến du khách thích thú. (Ảnh tư liệu)
Đồng chí Đèo Văn Dương - Trưởng phòng Văn hóa huyện Phong Thổ cho biết: Huyện Phong Thổ hiện có 2 điểm bản du lịch cộng đồng, nhiều hộ tham gia kinh doanh loại hình lưu trú homestay và dịch vụ ăn uống phục vụ du khách và có nguồn thu từ 200 triệu - 1 tỷ đồng/năm. Nhiều người dân tham gia làm dịch vụ du lịch, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn lúc nhàn rỗi, qua đó tiêu thụ sản phẩm nông, lâm sản địa phương, đồng thời quảng bá ngành nghề truyền thống đặc sắc vùng dân tộc thiểu số sở tại.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Lai Châu, giai đoạn 2016-2020, tỉnh đón khoảng gần 1,5 triệu lượt khách, tốc độ tăng trưởng bình quân khách du lịch đạt 13%/năm, doanh thu từ khách du lịch ước đạt gần 2.300 tỷ đồng. Lượng khách du lịch đến Lai Châu ngày càng được mở rộng, ngoài thị trường khách nội địa thì thị trường khách quốc tế truyền thống tập trung ở các nước như: Trung Quốc, Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Bỉ… và thị trường khách mới ở các nước như: Canada, Hà Lan, Hàn Quốc, Úc, Nhật…. Ngành Du lịch của tỉnh đang kỳ vọng đưa Lai Châu trở thành điểm đến mới được nhiều du khách lựa chọn làm điểm tham quan, trải nghiệm, từ đó sẽ tạo doanh thu và đóng góp vào GRDP của tỉnh trong giai đoạn 2020-2025.
(Nguồn: Lao U/www.laichau.gov.vn
Cập nhật: 09h22, ngày 02/02/2022)
Ý kiến bạn đọc